Quan Họ

Ngày 30/9/2009, Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là vinh dự, tự hào không chỉ riêng của người dân Bắc Ninh – Bắc Giang mà của cả Việt Nam. Đến nay Việt Nam có 4 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận gồm: Nhã nhạc cung đình, Không gian Cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ Bắc Ninh và Ca trù Việt Nam.

Nguồn gốc

Nghĩa của tên gọi Quan họ (QH) có nhiều cách giải thích khác nhau; có thể chia thành hai luồng chính: người dân vùng Quan họ truyền miệng về những cách giải thích của làng mình và các nhà nghiên cứu giải thích theo sự khảo cứu của từng người. Qua đó có 4 cách giải thích tên QH:

  • Tiếng hát họ nhà quan
  • Tiếng hát quan viên hai họ trong đám cưới.
  • Tiếng hát hay, làm quan quân họ lại, „dừng lại“.
  • Tiếng hát giữa hai làng kết chạ, kết họ, do một vị quan nào đấy tác thành.

Nhìn chung sự giải thích về tên gọi QH thì có nhiều, nhưng chưa có cách giải thích nào có thể coi là hoàn toàn thoả đáng. Vấn đề còn phải tiếp tục nghiên cứu. Có lẽ hiện nay nhiều người nghiêng về cách giải thích: Quan họ là quan viên họ nhà trai và quan viên họ nhà gái trong đám cưới. Tiếng hát này, chặng đường đầu gắn liền với hát đám cưới, giữa quan viên hai họ, nên được gọi tắt là tiếng hát QH sau này, trở thành tiếng hát hội, tiếng hát họp bạn v.v…của trai gái, tiếng hát phong tục của cả cộng đồng một vùng, tiếng hát ấy vẫn được gọi là hát QH.

Quan họ truyền thống

Theo thống kê từ năm 1971 QH truyền thống chỉ tồn tại ở 49 làng (Bắc Ninh có 44 làng và Bắc Giang có 5 làng). Do chậm trễ, có tới 18 làng Quan họ cổ ở Bắc Giang  không kịp đưa vào danh sách đề cử với UNESCO.  Quan họ truyền thống là hình thức tổ chức sinh hoạt văn hóa dân gian của người dân Kinh Bắc, với những quy định nghiêm ngặt, khắt khe đòi hỏi liền anh, liền chị phải am tường tiêu chuẩn, tuân theo luật lệ. Điều này giải thích lý do người dân Kinh Bắc „sành điệu“ thích thú dùng từ „chơi Quan họ“, không phải là „hát Quan họ“ QH truyền thống không có nhạc đệm và chủ yếu hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội xuân thu nhị kỳ ở các làng quê. Trong QH truyền thống, đôi liền anh đối đáp với đôi liền chị được gọi là hát hội, hát canh, hát cả bọn. Nếu cả nhóm liền anh đối đáp cùng cả nhóm liền chị được gọi là hát chúc mừng, hát thờ.

Quan họ mới

Quan họ mới còn được gọi là „hát Quan họ“, là hình thức biểu diễn (hát) QH chủ yếu trên sân khấu hoặc trong các sinh hoạt cộng đồng Tết đầu xuân, lễ hội, hoạt động du lịch, nhà hàng, v. v.  Thực tế, quan họ mới được trình diễn vào bất kỳ ngày nào trong năm. Các băng đĩa CD, DVD hay chương trình TH về quan họ ngày nay đều là hình thức quan họ biểu diễn trên sân khấu, tức quan họ mới. QH mới luôn có khán thính giả, người hát trao đổi tình cảm với khán thính giả không còn là tình cảm giữa bạn hát với nhau. QH mới không còn nằm ở không gian làng xã mà đã vươn ra ở nhiều nơi, đến với nhiều thính giả ở các quốc gia trên trên thế giới.

Quan họ mới có hình thức biểu diễn phong phú hơn QH truyền thống, bao gồm cả hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có múa phụ họa. Quan họ mới cải biên các bài bản truyền thống theo hai cách: không có ý thức và có ý thức Dù ít hay nhiều nhưng hình thức hát quan họ có nhạc đệm được coi là cách cải biên không có ý thức. Đa số các bài quan họ mới thuộc dạng cải biên này. Cải biên có ý thức là những bài bản đã cải biên cả nhạc và lời của bài bản quan họ truyền thống. Loại cải biên này không nhiều, ví dụ bài „Người ở đừng về“ là cải biên từ làn điệu „Chuông vàng gác cửa tam quan“. Hát QH với lời mới được nhiều người yêu thích tới mức tưởng nhầm là quan họ truyền thống như bài „Sông Cầu nước chảy lơ thơ“ do Mai Khanh soạn lời mới từ làn điệu truyền thống „Nhất quế nhị lan“. Quan họ mới được ưa thích hơn QH truyền thống không phải do không gian và những sinh hoạt theo lề lối cổ của QH không còn nữa mà một phần do hoạt động „hát quan họ“ ngày nay thường được gắn với chính quyền nhiệm vụ tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá QH trên diện rộng.

Ngày nay, QH mà mọi người thấy đang diễn ra ở các làng quê Kinh Bắc, kể cả những canh QH cổ phục dựng, thực chất chỉ là đóng giả. Bởi quan họ đúng nghĩa không thể có chuyện người trong một làng hát đối đáp với nhau, lại càng không thể có chuyện, già trẻ đối đáp lẫn lộn (ngày xưa hát đối đáp với nhau phải là cặp liền anh, liền chị đồng niên). Điều đáng nói giọng hát QH đúng chuẩn mực trong cả vùng Kinh Bắc rộng lớn còn lại chỉ thực sự đếm được trên đầu ngón tay. QH không phải đơn thuần là thú chơi nữa, mà là một sự trình diễn của những người biết hát quan họ. Thậm chí bộ trang phục ngày nay mà các liền chị đang mặc với vạt xanh vạt đỏ, thực chất cũng là đã bị cải biên, bắt chước theo Văn công. Mà không chỉ trang phục, vì cả một thời gian dài bị đứt đoạn, nên khi phục hồi trở lại, quan họ trong dân đã không biết dựa vào đâu làm chuẩn, nên họ cứ thế nhìn vào hình ảnh của Đoàn biểu diễn nghệ thuật hay TV mà theo vì thế nên bị sai lệch rất nhiều.

Quan họ ngày nay đã thực sự bị thương mại hóa rất nhiều và chủ yếu là một thứ dịch vụ. Cá nhân tôi thấy một điều rất phản cảm đó là hát QH có đàn Keyboard đệm, chưa kể cảnh hát trên thuyền rồng làm bằng tôn và quan họ ngửa nón xin tiền…

Thật khó khăn để tìm thấy một lối chơi quan họ đậm  tình đậm nghĩa ngày xưa, với câu:

Tay nâng đĩa muối đĩa gừng
Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau

Vinh danh Quan họ là một sự khích lệ rất lớn để chúng ta tiếp tục những cố gắng của mình trong việc bảo vệ giữ gìn di sản. Trân trọng và tìm về nguyên gốc quan họ cổ, mong làm sao các cơ quan chức năng nghiên cứu, đầu tư nhằm bảo tồn lối hát cổ với kỹ thuật thanh nhạc cao. Đó là một kỹ thuật luyến láy, nẩy rất phức tạp không dễ dàng như nhiều người lầm tưởng và dễ sai lệch hay ảnh hưởng bởi hát theo lối mới.

Mạnh Tuân