Đón Tết ở Aachen
Theo thông lệ thì tôi thường viết ký sự „cánh gà sân khấu“ của ngày lễ Tết đón xuân ở Aachen vì khán giả đi dự hội xuân ít ai biết là bên lề của đêm hội tụ ấy là cả một đóng góp công sức của rất nhiều người, từ em học sinh lớp tiếng Việt nước mắt ngắn dài cầm hai cái ly nhựa thay thế đèn lồng Hội An vì sợ tập dợt nhiều đèn lồng Hội An sẽ thành … đèn xếp Chợ Lớn, đến anh bạn mới xuất viện, ngồi họp bàn việc tổ chức Tết bằng … nửa bàn tọa vì nửa kia vết mổ còn mới toanh chưa lành.
Năm nay các em đội múa ra … „tuyên ngôn độc lập“, tức là không chịu dưới quyền giám sát hay bảo hộ của ai cả. Các em đòi được tự chọn nhạc, tự chọn điệu múa, tự „“đì sai“[1] trang phục, tự lên chương trình tập dợt, cái gì cùng „tự“ hết ngoài việc tự … lo. Tức là phụ huynh vẫn tiếp tục đưa đón, vẫn lõ mắt ra đính từng cái bông lên áo dài của các vũ công, vẫn xệ mắt kiếng vắt từng mũi kim, lên gấu quần, gấu tay …
Chỉ biết động viên nhau:
– Thôi tụi mình ráng, mai mốt tới phiên tụi nó …
– Bà mơ đó hả ? Mai mốt tới phiên tụi mình đính bông cho áo … con của tụi nó thì có !!!
Nói đến áo dài lại nhớ màn biễu diễn thời trang. Tiến bộ hơn cả đội múa, các siêu người mẫu chân dài toàn tập dợt theo kiểu … viễn thông. Từ nhạc nền, tạo dựng bài bản, hướng dẫn phong cách đi theo kiểu „quả trám“ (ghi chú: theo như giải thích của một chị vũ sư thi „bước quả trám“ là từ trong nghề của múa dân tộc Việt Nam mà múa Việt Nam thì chưa được lên Wikipedia nên cụ „Gú gồ“ cũng bí lù) , thiết kế đội hình v.v. đều diễn tiến trên … „i meo“. Mãi tận đến ngày chót, ngoài tên tuổi „Ma Nơ Kinh“[2] ra thì tất cả những chi tiết khác đều thuộc về dạng … „ảo“, tức là „Việt Tu Ồn“[3].
Thêm một chuyện bên lề nữa là tự nhiên điện thoại reng:
– Cho tụi em đóng góp món bánh ít trần nghe chị ?
Con gái đứng bên cạnh nghe lóm, thắc mắc:
– Bánh ít trần là bánh ít … ở trần hả mẹ ?
Phải công nhận tiếng Việt mình tượng thanh tượng hình hết biết luôn. Do bánh ít gói lá mất công nhiều hơn nên đã sinh ra bánh ít trần vì chỉ hấp mà không gói vào là chuối. Lại nhớ câu ca dao:
Bánh thật nhiều, sao kêu bánh ít ?
Trầu có đầy, sao gọi trầu không ?
Cám ơn chị gì đã cho tôi một khoảnh khắc nhớ về quê hương với „bánh ít“, lòng nhiều.
Chuyện chọn nhạc cũng không kém phần ly kỳ.
Số là hoạt cảnh mở màn với sự tích „Con rồng cháu tiên“ cũng như „Tết ba miền“ là hoàn toàn được tập dợt theo kiểu … phim câm giống như trong thập niên hai mươi mà coi phim „Sạc lô“[4] chỉ coi hình chứ không có tiếng. Tức là cũng đến giờ chót mới nhờ anh nọ kiếm nhạc nền phù hợp để ghép vào hoạt cảnh …. câm.
Phiên bản thứ nhất:
– Anh làm ơn cho đoạn tiên ra múa dài hơn một tí nhé, kẻo khán giả không nhận ra đấy là … con gái bà Âu cơ !
„Tiên“ sưng xỉa mặt mày kêu:
– Khúc này dài quá, không múa được !!!
Phiên bản thứ nhì:
– Nhạc múa rồng sao hát ỉ ôi nghe rầu quá, đổi nhạc gì đánh trống thùng thùng kiểu „Hoàng Phi Hùng“ cho oai được không anh?
Phiên bản thứ ba:
– Tết qua rồi, ai lại đệm bài „Tết Tết Tết, Tết đến rồi“ nghe không hợp !!!
Kết quả cuối cùng:
– Ai có bài của phiên bản một không vậy ?
Đường đi nào cũng đến La Mã, phiên bản nào cũng là phiên bản … thứ nhất.
Bàn đến mục Tombola thì ai cũng đã được giao việc hết rồi. Một anh bên khâu lo về rác rến giơ tay tình nguyện:
– Để tui làm cho !
Sợ ngộ nhỡ anh ta trúng số độc đắc với vé về Việt Nam thì ở đây rác sẽ ngập lên như núi nên mọi người tìm cách từ chối khéo:
– Thôi Tombola tới khuya mới sổ, con anh còn nhỏ xíu …
– No star where[5], tui chở bả với con bé về trước, lên bộ đồ vét cho bảnh tỏn rồi quay lại sau.
Ở nước Đức làm hai, ba „dzóp“[6] là chuyện hiếm có vì sở thuế vụ sẽ chặt đầu chặt đuôi hết, nhưng làm phu đổ rác kèm thêm nghề tay trái là „Trần văn Trạch“ với
Sổ số kiến thiết quốc gia
Giúp đồng bào ta
Có vé bay về Việt Nam mấy hồi
cho DVF thì chả được thu nhập tí ti ông cụ gì nên mọi người vui vẻ gật đầu … chịu gấp.
Có những đóng góp âm thầm mà theo như ông Saint-Exupéry, tác giả của truyện „Hoàng tử bé“, thì „người ta chỉ nhìn thấy thật rõ ràng bằng trái tim, cái cốt yếu thì con mắt không nhìn thấy“ (man sieht nur mit dem Herzen gut, das Wesentliche ist für die Augen unsichtbar). Mấy ai biết „Ngũ Xú Chung Vô Diệm“ lặn lội đường xa, tay xách nách mang áo bào, vương miện, hài cong, để đem đến khán giả một chút gì đó của Hồ Quảng Việt Nam, của áo bà ba bên … gánh hàng rong (vì dàn dựng màn cô gái chèo đò trên sông Hậu Giang cho phù hợp với bài hát thì ban văn nghệ không đào đâu ra cho đủ phụ kiện như xuồng ba lá, mái chèo v.v.). Nhưng tôi chắc chắn một điều là với bộ trang phục cải lương lộng lẫy trong đêm văn nghệ hôm ấy:
Nàng là ánh sao trời
Ngôi hoàng nương chánh cung là nàng[7].
Và cũng như mọi năm, bàn tay vô hình nhất vẫn là bàn tay của ban ẩm thực. Không thấy ai nắn bánh bao, không thấy ai lau lá chuối, không thấy ai đổ bánh bèo, hầm nước súp, thái rau thơm, phi hành tỏi, pha nước mắm … mà „úm ba la“, đến hôm Tết thì không hiểu sao đồ ăn ở đâu ra mà nhiều thế ?
Nói dông, nói dài, nói tóm lại:
Mỗi người có một giấc mơ khác nhau,
giấc mơ của bạn có thể không giống giấc mơ của tôi,
nhưng khi chúng ta cùng nhau góp sức lại,
chúng ta có thể làm cho tất cả các giấc mơ ấy trở thành sự thật.
Giấc mơ của tôi: Đón Tết ở Aachen.
Ký giả xa lộ 2014
[1] design
[2] Mannequin
[3] virtual
[4] Charlot (Charlie Chaplin)
[5] không sao đâu
[6] Job
[7] Lời bài hát „Quân vương và thiếp“, do Ngọc Trinh trình diễn hôm Tết Giáp Ngọ DVF