Lưỡng sinh hoa
Tuế nguyệt thị đóa lưỡng sinh hoa
Năm nay lớp tiếng Việt mở thêm một lớp mới gọi là lớp vỡ lòng hay còn gọi là lớp mẫu giáo cho các em nhỏ và tôi may mắn được giao nhiệm vụ phụ trách lớp „mầm non“ này.
Thú thật là dạy tiếng Việt cho các em sinh ra và lớn lên ở đây không phải là việc đơn giản, nhất là dạy các em đang ở tuổi bắt đầu „lưỡng“, tức là Việt, Đức khó lòng phân biệt.
Cô hỏi bằng tiếng việt:
– Em mấy tuổi ?
Trò nhìn cô e dè trông rất là … lưỡng lự:
– Kann ich auf Deutsch antworten?
Cô đành phải gật đầu vì … tiến thoái lưỡng nan nhưng vẫn ráng vớt vát:
– Versuch’s auf vietnamesisch, ich helfe dir, es ist nicht schwer.
Trò được động viên tinh thần chiến sĩ, suy nghĩ ráo riết, rồi hăng hái trả lời:
– Em … fünf … tuổi.
Cô phong trò làm lưỡng quốc trạng nguyên:
– Sehr gut. Em năm tuổi. Kannst du es wiederholen?
Và buổi học đầu tiên cứ diễn ra kiểu … lưỡng nghi như thế, lúc âm lúc dương, lúc tiếng Việt lúc tiếng Đức. Người Đức nếu ngồi đấy sẽ ráng vểnh tai lên để lỏm bỏm nhận ra vài tiếng quen thuộc mà đoán mò xem thầy trò chúng nó đang bàn luận về vấn đề gì. Còn người Việt nếu ngồi đấy thì khá hơn vì họ biết cả hai thứ tiếng, nhưng chắc sẽ nhủ thầm trong bụng là học tiếng Việt kiểu gì mà nửa nạc dăm nửa ba rọi thế này hở giời ?
Tôi rất thông cảm mối âu lo này của các phụ huynh gởi gấm con em đến lớp tiếng Việt vì chính tôi chín năm trước đây cũng giống như Thanh Tịnh trong bài „Tôi đi học“. Không phải tôi đi học mà tôi hằng tuần dắt đứa con gái con tôi đến lớp tiếng Việt, ngoan ngoãn ngồi như phỗng nghe nó ê a vài ba chữ „bà, má, lá, cá“ (hình như ở ngôn ngữ nào, tiếng Đức hay tiếng Việt, người ta cũng bắt đầu bằng chữ „a“), không dám hó hé trò chuyện với các phụ huynh khác vì sợ làm phiền cô giáo.
Tôi không nản chí anh hùng vì quan trọng nhất là làm sao tạo được sự gần gũi, tin cậy với các em rồi từ từ các em sẽ chịu nói tiếng Việt. Mới đây tôi đem bộ trò chơi ô quan đến lớp. Các em lúc đầu nhất định không chịu nói „đập, ăn“ (khi đi đến một ô bàn cờ trống mà ô kế tiếp có quân thì ta „đập“ bàn tay vào chỗ ô trống ở bàn cờ rồi „ăn“ quân ở ô kế tiếp). Đến lúc trò chơi trở nên hào hứng tôi thỉnh thoảng lại nhảy chồm vào bàn cờ kêu to „đập, ăn“. Các em mãi chú tâm vào trò chơi cứ thế mà lập lại „đập, ăn“, „đập, ăn“, quên mất là đang nói tiếng Việt. Sau khi tàn trận thì hai phe sẽ phải đếm quân cờ để phân định thắng thua. Ban đầu các em đếm bằng tiếng Đức, sau vài lần tôi „dụ khị“ các em đếm bằng tiếng Việt. Tiếc rằng bàn cờ ô quan của tôi ít quân cờ nên các em cao lắm chỉ đếm được đến khoảng hơn ba mươi thì hết số quân. Không sao, các em rất thông minh, tôi tin rằng các em sẽ đếm được đến 100 bằng tiếng Việt.
Bàn cờ ô quan
Tôi xin tạm gọi thế hệ mầm non ờ Đức là „lưỡng sinh hoa“ vì chúng nó như những đóa hoa nở hai lần, lần đầu khi sinh ra ở Đức nhưng có cha, mẹ người Việt nam, chập chững những bước chân đầu tiên trong tiếng gọi mẹ ơi, ba ơi, ăn cơm.
Rồi chúng lớn lên, đi nhà trẻ Đức, mẫu giáo Đức. „Ăn“ thành ra „essen“. „Dạ“ thành „Ja“. Đôi khi ngay cà „mẹ“ cũng biến dạng thành ra … hai con ma (Mama). Và đóa hoa lại nở lần thứ hai với nhụy mới, cánh mới … ngôn ngữ mới. Rồi dần dần hoa Đức nở to hơn hoa Việt nam vì „lưỡng sinh hoa“ ngoài cái rễ Việt thì cái gì cũng Đức hết. Hàng xóm Đức, bạn bè Đức, thầy cô Đức, ngay đến cả con chó trong nhà cũng là bẹc giê gốc Đức chính hiệu con nai vàng có giấy chứng nhận hẳn hoi (Abstammungspapier).
Tôi không muốn cái rễ bị con bẹc giê cạp mất nên cũng từ chín năm nay „lưỡng sinh hoa“ của tôi vẫn phải tiếp tục đeo đuổi lớp tiếng Việt.
Tám năm qua rồi „lưỡng sinh hoa“ của tôi vẫn chưa phân biệt được hỏi ngã.
Tám năm qua rồi „lưỡng sinh hoa“ của tôi vẫn hỏi: Chữ này vần „ớ“ hay „á“ hở hai con ma ? (dịch từ tiếng Đức: Mama, schreibt man das mit „â“ oder „ă“ ?).
Tôi không có ước mơ „lưỡng sinh hoa“ của tôi trở thành xướng ngôn viên đài tiếng nói Việt nam. Tôi cũng không có ước mơ „lưỡng sinh hoa“ của tôi viết tiếng Việt lưu loát, hỏi ngã chỉnh tề , á ớ ngay ngắn. Tôi sẽ mãi nhớ hoài hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường [1] … đầu tiên ở lớp tiếng Việt ngày nào của „lưỡng sinh hoa“ của tôi.
Tố Hồng, cô giáo lớp mầm non, và các em lớp mẫu giáo trong chương trình văn nghệ Tết Quý Tị 2013
[1] Tôi đi học, Thanh Tịnh