Có một không hai

Hôm nọ con bạn nối khố của tôi từ Việt nam sang chơi ngay đúng vào dịp hội DVF tổ chức tết Trung thu. Trước khi leo lên máy bay nó „i meo“ hỏi tôi:

– Tao đem bánh nướng sang làm quà nhé ?

Tôi tiếc hùi hụi trả lời:

– Thôi, nhỡ ở phi trường nó xét lại ném hết vào thùng rác thì phí của giời !!!

– Vậy tao đem sách cổ tích chú Cuội chị Hằng cho con mày nhé ?

– Ừ, ít ra là bảo đảm không bị vào sọt mày ạ.

Tôi trả lời trong bụng nghĩ thầm: con mình làm quái gì đọc nổi truyện cổ tích Việt nam.

Tôi đi đón nó hai ngày trước rằm tháng tám. Trời chiều bên đức còn sáng mà mặt trăng đã lên. Nó ngạc nhiên lắm:

– Ủa, trời chưa tối mà đã thấy trăng rồi à ?

Đời sống tất bật thoi đưa ở bên này làm tôi không còn nhớ khi nào trăng lên, trăng xuống.

Hôm sau chúng tôi khăn gói quả mướp đi chơi Trung thu ở Medien- und Kulturzentrum, Philip-Neri-Haus Aachen. Tôi dự tết Trung thu của hội DVF tổ chức nhiều lần rồi nên không lạ lẫm với chưong trình nhưng con bạn tôi thì ngạc nhiên lắm, gì cũng hỏi:

– Bên này cũng có bánh khúc à ?

– Bánh bèo ngon quá nhỉ ?

– Ơ hay, có cả bánh nậm nữa hả ?

Tôi cười, quảng cáo đồ ăn cây nhà lá … mua ngoài tiệm á châu:

– Mày cứ ăn thoải mái, bảo đảm chất lượng cao, nguyên liệu không độc tố …

Nó gật gù bảo:

– Ở Việt nam người ta dùng chữ „rau sạch“ để gọi rau trồng không dùng phân bón hóa học hoặc thuốc tăng trưởng mày ạ.

Tôi diễu dở:

– Thế thì hôm nay mày được ăn „bánh sạch“ đấy nhá !

Toàn bộ chương trình văn nghệ nó ngồi chăm chú theo dõi, chỉ sót màn múa nón lá vì lúc đó nó mãi đi ăn bún mộc „sạch“ nên không kịp quay lại chỗ ngồi. Tôi hỏi nó:

– Mày thấy con nít bên này nói tiếng việt nghe ngộ tai không ?

Nó quả quyết:

– Trời ơi, tụi nó đọc thơ tiếng việt nghe dễ thương ghê.

Nếu mà nó biết được lúc tập dợt phải tập chúng nó phát âm từng câu, từng chữ, trần ai ra sao, chưa kể phải giải thích cho chúng nó nghe thế nào là

Làng tôi thắt đáy lưng tre

Sông dài cỏ mượt đường đê tứ mùa

(Thơ Hồ Dzếnh)

Có đứa chưa một lần đặt chân đến quê hương Việt nam thì làm sao chúng nó tưởng tượng được cảnh

Quê hương tôi có con sông xanh biếc

Nước gương trong soi tóc những hàng tre

(Thơ Tế hanh)

Dù sao thì cũng an ủi là chúng nó còn chịu đọc, chịu học, chịu … trình diễn tiếng Việt. Những tràng pháo tay của khán giả sau các tiết mục „thuần việt“ như đọc thơ, hoạt cảnh chú Cuội, hát tiếng Việt chính là những động viên lớn để chúng nó tiếp tục con đường … tìm về tổ ấm.

Nói thế chứ con bạn tôi cũng không kém phần khâm phục những tài năng văn nghệ trẻ với những bài hát, song tấu, độc tấu nhạc cụ tây phương. Nó tấm tắc khen:

– Tao phải công nhận con nít bên này đa tài thật.

Màn rước đèn với múa rồng cũng làm nó ngạc nhiên không kém. Nó nhìn tôi thắc mắc:

– Ủa, tết Trung thu người ta múa lân mà ?

Tôi vặn lại nó:

– Thế mày thích múa lân hay rồng ?

Nó cười bẽn lẽn:

– Con tao thấy lân là khóc thét lên vì sợ.

 Mà thật, con rồng nhìn dáng trông thanh nhã hơn, lúc múa các em giơ que lên giơ que xuống nên đám con nít nhìn thấy là người thật chứ không phải con lân mắt lồi to quá khổ nên chúng nó khoái chí vỗ tay reo hò, đèn vung qua vung lại theo nhịp trống gõ, có đứa vung mạnh quá đèn đi đằng đèn, cán đi đằng cán.

Nhìn đám con nít quây quần bên ánh lửa tôi huých vào hông con bạn tôi hỏi:

– Mày thấy tết Trung thu đức thế nào ?

Nó nói

– Có một không hai.

 

Thanh củi mục

Aachen, 2012