Tâm sự của cô giáo dạy tiếng Việt
Như các bạn đã biết, hiện giờ tai Aachen có 3 lớp tiếng Việt ở 3 mức độ khác nhau với tổng số khoảng 18 học trò. Các lớp học 2 tuần 1 lần vào ngày chủ nhật, từ 11 giờ đến 13 giờ. Càc thầy cô giáo đều là những người dạy hoàn toàn tự nguyện, tự soạn gióa trình dựa trên các sách giáo khoa trong nước kết hợp với những giáo trình “Tiếng Việt giành cho người nước ngòai” của Đại học Quốc gia Hà nội. Các thầy cô lúc nào cũng mong được các em đi học đông đủ. Trong thực tế thi ít khi nào các em có mặt đầy đủ cả 18 trò như trên danh sách, lúc em này nghỉ, lúc em kia vắng. Ai có con em học trong các lớp tiếng Việt này thì mới thông cảm được những vui buồn của cả thầy cô lẫn học trò.
Lúc đầu cô cũng chịu khó trong giờ học chỉ toàn nói tiếng Việt hy vọng các em học được nhiều hơn:
– Các em viết từ ghép có từ đơn vừa tìm đúng như trong bài.
– Các em hãy chọn từ dưới đây để viết vào chỗ trống mỗi câu cho thích hợp với hình vẽ.
– Sau khi điền xong, các em gạch dưới mỗi từ trong câu có vần đúng với vần ở góc trái ô hình.
Các bạn nghe thì thấy nội dung các câu này đơn giản dễ hiểu quá, đúng không ạ ? Nhưng các em thì cứ ngồi trơ ra như phỗng chẳng có tí phản ứng gì. Chỉ sau khi cô dịch toàn bộ các câu sang tiếng Đức mới thấy các em gật gù cầm bút lên để làm bài. Riết rồi cô cũng pha cả tiếng Đức lẫn tiếng Việt vì thấy
có phần hiệu quả hơn.
Mỗi buổi học cô bắt đầu bằng một vần mới. Năm ngoái các em học vần đơn giản chỉ có hai mẫu tự như vần „an“, „ac“, „in“, „it“, „ôn“, „ôt“ … Năm nay … lên cấp, các em bắt đầu học những vần khó hơn như „ang“, „ênh“, „iêm“, „ich“ … Sau đó các em tìm những chữ có các vần đã học, chẳng hạn như „anh“, quả chanh, đi nhanh, khoẻ mạnh… „ong“, bong bóng, lưng còng, cổ họng … Hoặc nếu vần nào khó quá thì cô … nhắc tuồng bằng tiếng Đức, các em tự tìm xem tiếng việt là gì.
Cô: Vần „êch“, Hut schief tragen tiếng việt là gì ? (ý cô muốn nhắc từ „đội mũ lệch„)
Cô: Vần „inh“, Morgenröte tiếng việt là gì ? (ý cô muốn nhắc từ „bình minh„)
Trò: Buổi sáng đỏ
Nhưng không phải lúc nào trò cũng bí lù mà có lúc cô cũng … mù tịt. Chẳng hạn như trong bài mẫu vần „ach“ có chữ „tả trạch“. Cô chỉ biết từ „thổ trạch“ là nhà cửa và đất ở nói chung, còn „tả trạch“ thì chịu. Về tra tự điển thì có sông Tả Trạch nằm ở phía Đông sông Hương, chảy qua hai huyện Hương Thủy và huyện Nam Đông tỉnh Thừa Thiên-Huế. Sông bắt nguồn từ núi Bạch Mã chảy đến ngã ba Bằng Lãng, hợp với sông Hữu Trạch ở phía Tây thành sông Hương, đổ ra cửa Thuận An Nếu giải thích kiểu này thì các em sẽ … ngủ gật mất. Thành ra cô chỉ trả lời
gọn thỏn đó là tên một con sông ở Việt nam. Chấm hết.
Còn nữa. Vần „inh“. Chinh phụ. Chinh phụ là vợ của chinh … phu, là người đi đánh giặc xa, thời trên 3000 năm về trước, đuổi quân Nguyên, giành lại cõi bờ, tức là đi biền biệt biết ngày nào về. Làm sao có thể đưa các em đến với Lưu Trọng Lư
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Bên Đức làm gì còn có chinh phu. Đi A phú hãn (Afghanistan) vài tháng là mãn nhiệm kỳ. Không có chinh phu thì làm sao có chinh phụ. Cũng có lúc sách soạn không được … hợp thời trang lắm, thành ra cô đành phải „lơ huyền“ mấy chữ khó giải thích này đi.
Thỉnh thoảng cô cũng có vài tiết mục „giải trí“ như ra câu đố chẳng hạn:
Mỗi lần cúi xuống
Hết uống lại đi
Vừa đi vừa vẽ
Là cái gì ?
Cái em nhìn nhau ngơ ngác. Cô bèn giải câu đố:
– Là cây bút chấm mực !
Mỗi lần cúi xuống, hết uống lại đi ý nói chấm bút vào lọ mực rồi lại viết tiếp…
Các em lao nhao phản đối:
– Bút hết mực thì thay … Tintenpatron, đâu có chấm mực gì đâu ?
Ừ nhỉ, but của học trò bên này làm gì có loại phải chấm mực.
Khó nhất là dạy các em về tục ngữ ca dao Việt nam. Học vần „ang“ thì có câu „Im lặng là vàng“. Câu này bên tiếng Đức cũng có: Schweigen ist Gold. Dễ quá! Thế nhưng câu „Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc“ thì không dễ !. „Đáo giang“ là chữ Hán việt, người Việt „chính tông giao chỉ“ chưa chắc đã biết, nói chi các em. Âu thì các em học hiểu biết được bao nhiêu ta mừng bấy nhiêu, còn các em sau này có „đáo giang“ nổi hay không là chuyện ta … không nên
đòi hỏi.
Mới đây em Hải Ky kể rằng ở trường em ấy thầy giáo hỏi em có biết tiếng Việt không thì em trả lời là em có đi học tiếng Việt. Thầy lại hỏi là thế có được cấp chứng chỉ không vì như thế có thể ghi vào phiếu điểm ở phần „những môn phụ, ngoài giờ học“ là những môn không có điểm, tiếng Đức gọi là Arbeitsgemeinschaft, họ chỉ ghi là „có tham gia“ (teilgenommen) chứ không chấm điểm. Nghĩ cũng buồn cười vì ở Đức cái gì cũng phải có bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận, thì mới có giá trị. Riêng đối với tôi, việc các em chịu khó đến lớp, dù chỉ học ê a vài ba chữ tiếng Việt đã đủ chứng nhận các em là những đứa con ngoan vì các em đi học tiếng Việt để đươc giao tiếp, được chơi với các bạn khác và để… làm vui lòng cha mẹ.
Aachen, 06.2009
cô giáo vùng sâu, vùng xa