Lớp tiếng Việt
Ở bên „xứ người“ này nỗi lo lắng „xa“ của các bậc phụ huynh là sợ các con mình sau này … mất gốc vì không nói và viết được tiếng Việt, nỗi lo lắng „gần“ là nhỡ nghỉ hè có về Việt nam thăm ông bà nội ngoại thì e rằng vốn việt ngữ của các em không đủ để … chào hỏi ông bà cho đủ lễ phép. Bắt nguồn từ nỗi u hoài „xa“ và „gần“ đó, lớp dạy tiếng Việt đã ra đời vào 2003 và được hội DVF hỗ trợ về việc liên hệ phòng sở. Từ năm 2006 lại thêm 1 lớp nữa. Như vậy hiện nay có 2 lớp: một lớp có trình độ vỡ lòng – lớp 1 và một lớp có trình độ tương đương lớp 2-3 ở Việt nam.
Lớp học đều do các cô giáo là các phụ huynh tình nguyện dạy dỗ. Thời gian đầu là cô Thu Hồng va cô Hoàng Yến đảm nhận. Thời gian gần đây có cô Tô Hồng và anh Văn Như trợ giúp. Giáo trình thì soạn theo sách giáo khoa phổ thông ở trong nước, cũng như các giáo trình tiếng Việt giành cho người nước ngoài của đại học Quốc gia Hà nội. Trong khi dạy tiếng Việt các thầy cô giáo cũng đã kết hợp dạy các em về các phong tục tập quán và văn hóa Việt nam.
Các em học lớp vỡ lòng đa số chỉ biết nói tiếng việt do ở nhà cha mẹ bắt phải xử dụng tiếng việt, có em phát âm còn không rõ, nghe trọ trẹ như tiếng … ngoại quốc. Khó khăn khác nữa là các em không những có trình độ „không biết tiếng việt“ khác nhau mà tuổi tác cũng chênh lệch nữa.(từ 6 đến 14 tuổi), chưa kể khi đi học các em còn có em nhỏ (dưới 6 tuổi) đi theo vì ở nhà không có ai trông trẻ dùm. Sự chênh lệch về tuổi tác cũng đã ảnh hưởng đến mức độ học của các em. Các em lớn tuổi thì học nhanh hơn vì đã biết ít nhiều tiếng việt, nhưng phát âm thì kém hơn các em nhỏ, các em nhỏ thì gặp khó khăn vì vốn từ ngữ ít hơn. Đấy là chưa kể đến số lần học tiếng việt 2 tuần một lần là quá ít, lại thêm các ngày nghỉ hè Xuân Hạ Thu Đông (Karneval, Oster, Sommerferien, Weihnachten), rồi những lần vắng mặt của em này hay em nọ vì những lý do khác nhau. Thành ra tốc độ học của các em rất chậm chạp và có khi học chữ „a“ thì quên chữ „b“ vì lâu mới dùng đến.
Dù trình độ việt ngữ khác nhau, các em lớp vỡ lòng đều học tiếng việt bắt đầu từ A, B, C … Thật là khó nhọc để dạy các em theo đánh vần theo kiểu Việt nam „a, bờ a ba huyền bà“ vì tiếng đức chữ „b“ đọc là „bê“, chữ „r“ đọc là „rờ“ , chữ „dê“ (d) thì tiếng đức không có, chưa kể 5 dấu „sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng“ và những chữ „ư, ơ, ă , â“ v.v… thật là rối rắm và khó nhớ cho các em. Phải công nhận các em được một đặc điểm tốt là đều chịu khó đến lớp học không chỉ để làm vui lòng các bậc phụ huynh mà các em còn thấy vui trong giờ học và vui vì được gặp nhau dược chơi với nhau trong giờ giải lao, vui vì các câu đố bằng tiếng Việt, các trò chơi để học tiếng Việt. Các em học chữ i tờ tuy chưa làm được bài văn tả cảnh hay viết một bài chính tả không có lỗi, nhưng ít ra các em cũng có chút ít thời gian để nghe và nói tiếng việt, hoc cách chào hỏi và văn hóa Việt nam.
Còn các em ở lớp lớn thì đã có khả năng đọc được những bài văn hay câu chuyện dài hơi. Đáng kể nhất là các em đọc được tiểu thuyết „Dế mèn phiêu liêu ký“ của nhà văn Tô Hoài và những bài nói về văn hóa Việt nam như: „Nguồn gốc tiếng nói và chữ viết ở Việt nam“, „Nơi khai sinh của dân tộc Việt nam“, „Chữ hiếu là gì ?“ và một số ca dao tuc ngữ như: „Lời chào cao hơn mâm cỗ“ …v…v. Các em còn biết viết một bức thư bằng tiếng Việt như thế nào nữa.
Nhân ngày lễ hội tết Mậu tý cô giáo có sáng kiến đề nghị các em đóng vở kịch tiếng Việt „Sự tích bánh chưng bánh dày“ , em nào cũng hồ hởi tham gia. Đó phải chăng cũng là một thành quả nho nhỏ của lớp tiếng Việt ?
Tô Hồng và Văn Như