„Nhiều“ chuyện
Năm nào hội DVF cũng tổ chức Tết. Năm nào tui cũng có mặt „trên từng cây số“ vì vào giữa mùa đông lạnh giá bên nước Đức này, ra đường răng hàm trên cứ hỏi thăm sức khỏe răng hàm dưới, thì Tết là một sự kiện không thể bỏ qua, ít nhất là đối với những người xa xứ như tui.
Năm nay xăng dầu mắc mỏ ký giả xa lộ tui phải đạp xe đạp chạy vòng vòng lượm lặt tin tức, nhờ vậy „tầm nhìn mở rộng, thính giác phát huy“, có „nhiều“ chuyện để kể cho bà con nghe.
Chuyện thứ nhất – Lá chuối
Lá chuối là vật liệu thường dùng để gói các loại bánh như bánh ít, bánh tét, gói chả, gói nem. Bên này lá chuối còn được „phát huy“ công dụng là dùng để gói cả bánh chưng nữa. Nhưng lá chuối bên này phải mua loại đông lạnh, nhập từ Việt Nam hoặc Thái Lan vì lá chuối tươi cũng có bán nhưng giá mắc hơn nhiều. Ông bà ta hay nói „tiền nào của nấy“, lá chuối đông lạnh thì dễ bị rách, và khổ hơn hết là truớc khi gói phải lau lá cho sạch đúng theo câu „nghèo cho sạch, rách cho thơm“. Mấy hôm ban ẩm thực tập trung gói bánh, hấp bánh tại Welthaus, nhìn mấy ông chồng còng lưng ngồi lau từng cái lá chuối tui thấy thương ơi là thương ! Ở nhà có khi mấy ông không rờ tới cây chổi quét nhà nữa là.
Thế mới biết làm việc từ thiện nó đa dạng lắm thay !
Ai nói phài bỏ tiền trăm, tiền triệu mới gọi là làm việc từ thiện ?
Chuyện thứ hai – Chả ốc sả
Chả ốc sả là một món ngon đặc sản được làm như sau: ốc đông lạnh xả đá, bóp muối, rửa sạch, bằm nhỏ với củ hành, tỏi, muối, tiêu, ớt, đường, thịt giò sống, tất cả trộn đều, vo viên quanh cọng sả, gói vào lá chuối đem hấp chín.
Đó là … lý thuyết. Tui chưa được ăn món này bao giờ nên chỉ mong đến ngày hội Tết Aachen để được thưởng thức „món ngon đặc sản“. Nhưng tiếc rằng hôm đó ký giả xa lộ đi xe đạp nên đến trễ, chả ốc đã bán sạch sành sanh. Không biết là do số lượng ít hay do chả ngon, nhưng chắc chắn một điều là chả phải rất đặc biệt vì hôm chả mới được làm còn nóng sốt, do lu bu việc phải đi tập tổng dợt bà Táo quên không cất chả lên cao, đến đêm khuya về nhà thì, hỡi ơi, con chó xù đã xơi gần sạch. Chó gốc Đức nhưng ăn chả rất … Việt nam, lá chuối được chú lột ra vất tung tóe trong bếp, cọng sả cũng được nhằn ra gọn gàng, chỉ có thịt ốc là … không thấy đâu, dù ốc được nêm tiêu ớt cay xè xè. Nhưng khổ nổi là món chả ốc sả đã lên thực đơn rồi ! Làm bà Táo giờ chót vẫn phải lụi cụi đi làm lại món chả mới.
Thế mới biết làm việc từ thiện nó gian truân lắm thay !
Chuyện thứ ba – Dốc tuyết
Từ hai năm nay mùa đông ở Aachen đột nhiên lạnh dễ sợ, nhiệt độ toàn âm. Sợ nhất là phải lái xe lên dốc vì đường phố đóng băng, xe leo dốc cứ trượt lên trượt xuống. Nhưng dầu sao đi nữa ta vẫn được ngồi trong xe hơi, có máy sưởi ấm áp, chịu khó rề rề một hồi thì rùa cũng tới bến. Nhưng người bộ hành thì sao ? Họ chờ xe buýt trong cái lạnh buốt da, có khi chờ cóng chân mà xe không thèm đến vì không leo nổi dốc tuyết. Một trong những dốc tuyết đáng ngại là An der Schanz, nơi mà các em học sinh lớp tiếng Việt tập văn nghệ cho ngày hội Tết.
Chủ nhật nào biên đạo múa cũng chăm chỉ đi tập múa cho các em, bịnh cũng ráng. Biên đạo múa đâu phải chỉ „đơn thân vượt dốc tuyết“ mà còn phải đèo theo mấy đứa cháu ngoại nữa, làm tui nhớ đến hình ảnh những võ sĩ đạo Samurai trong làn mưa tuyết của xứ Phù Tang. Dốc tuyết không làm ngã lòng biên đạo múa. Dốc tuyết đã cho tui thấy cái đẹp vô hình của một tấm lòng.
Thế mới biết làm việc từ thiện nó gian khổ lắm thay !
Áo dài là trang phục truyền thống của Việt Nam, qua nhiều thế kỷ trở nên đa dạng nhưng cái chính là hai tà áo thướt tha thì ngàn năm vẫn không thay đổi. Ngày lễ, Tết là dịp các bà, các cô hay diện áo dài và thường cũng hay muốn con gái mình cũng mặc áo dài nữa. Nhiều bà mẹ bên này than „con gái mình nó không chịu mặc áo dài bác ạ …“. Điều này thì tui chỉ đoán là có thể áo … không đẹp chăng ? Chiếc áo dài của màn múa nón lá nghe đâu các em mặc … không chịu thay ra. Chiếc áo dài màu vàng chanh, cổ tròn phá cách, được một bà mẹ Việt nam (bà ngoại thì đúng hơn) tỉ mỉ đơm từng cánh bông, từng cái lá, có thể đã chứng minh cho các em thấy cái đẹp của chiếc áo: đơn giản mà đặc sắc. Các em trong chiếc áo dài vàng trông cứ như những hoa mai của ngày xuân mới. Đẹp làm sao, đáng yêu làm sao.
Thế mới biết làm việc từ thiện nó cũng „màu mè“ lắm thay !
Chuyện cuối cùng – Người tàng hình
Liu Bolin, một họa sĩ Trung Quốc, có khả năng ẩn mình vào môi trường xung quanh, cho dù có phức tạp và khó khăn thế nào. Anh cho biết công việc của anh đòi hỏi sự nhẫn nại rất cao khi anh phải đứng tạo hình và làm việc trong nhiều giờ liên tiếp để hoàn thành một tác phẩm. Trong loạt ảnh này, Liu Bolin, khiến mình bị hòa lẫn giữa mọi thể loại môi trường.
Liu trong đống gạch đổ nát
Khi tui đọc bài viết về người họa sĩ này tui vò đầu bứt tai một hồi suy nghĩ mãi không nhớ ra là mình có thấy cái nghệ thuật tàng hình này ở đâu rồi thì phải ? Mãi đến hôm đi dự Tết Aachen tui mới vỗ đùi cái đét vì đã tìm ra … „chân lý“. Trong khi trên sân khấu đèn chớp xanh chớp đỏ, dưới sân khấu khách „du xuân“ quần là áo lụa, thì trong cái „tối thui“ ở cổng sau của Aula 2 tui thấy một „người tàng hình“ ngồi thu lu … chiên chả giò. Phải chiên từng cái một, không nó sẽ dính chùm vào nhau. „Người tàng hình“ không biết dầu mỡ đã „định cư“ trên tóc, bám trong quần áo của anh bao lâu rồi và anh cũng không nhớ anh đã chiên mấy trăm cái chả giò, anh chỉ biết „còn bán được, còn chiên nữa“.
Thế mới biết làm việc từ thiện thì thời gian, số lượng khó mà đếm thay !
Ký giả xa lộ
02-2012