Tết xa nhà

Mẹ ơi sớm nay xuân về

Mẹ trông ra ngoài hiên nắng

Mẹ mong đứa con xa nhà

Rồi mùa xuân… anh ấy sẽ về

 Tôi đến Aachen, một thành phố nhỏ miền tây nước Đức vào một sáng mùa thu se se lạnh, tâm hồn chộn rộn hứng khởi chỉ có ở người ngày đầu xa nhà, khẽ hít hà hương gió sớm mai, lòng tự nhủ „vì cuộc đời là những chuyến đi„.

12698 km theo đường chim bay, 6 múi giờ mùa đông, 5 múi giờ mùa hè và khoảng vài chục tiếng theo múi giờ của nỗi nhớ! Chỉ cách có 12 giờ bay mà sao nỗi nhớ xếp dài đến thế, lại một cái tết xa nhà, xa quê hương!

Tết xa biến khoảng cách địa lý không còn có ý nghĩa bằng „nỗi nhớ“, đôi khi nỗi nhớ đến từ những thứ bình dị nhất, nhớ mùi quần áo của mẹ, nhớ giọng nói của em, nhớ phố xuân, nhớ lắm, nhớ lắm những cái tết khi còn bé, mới vậy đã trôi đi nhanh quá, tựa như chỉ mới kịp thở, kịp cười, kịp ngắt cánh hoa đào hồng xinh của cái tết năm ấy.

Tết xa là đôi khi đang đi trên đường, bất chợt cảm xúc ùa về khẽ gieo vào lòng như cái lạnh đầu đông, bỗng thấy một góc quen thân thuộc sao giống ngõ nhỏ, phố nhỏ ở nhà đến lạ lùng và giả vờ đãng trí đi theo với hy vọng sẽ về được đến nhà, là cảm giác run run khi bấm chuông cửa khẽ thì thào „Mẹ! Con đã về„, chỉ có trong tiềm thức thôi mà sao đôi khi lại chân thực đến thế. Là nghe đi nghe lại những bài hát xuân, cứ tết đến xuân về là rộn ràng trong tiềm thức người xa quê.

Tết xa là những giọt nước mắt của mẹ, xót con trong tết đầu tiên xa nhà, là hỏi „Con bên đó có lạnh không ?“ .Tôi vẫn nhớ, cái tết cuối cùng trước khi xa nhà, giao thừa mẹ con dúi cho tôi một cái cánh gà, „Ăn đi để còn bay cao bay xa„.

Tôi ăn xong mới nhớ: „Nhưng con mới ăn có một cái thôi làm sao bay được ?„. Để rồi bây giờ bay xa nhà quá, xa vòng tay bố mẹ, xa những kỷ niệm về tết bên gia đình. Xa quá rồi!

Tết xa là cười to khi nói chuyện điện thoại với mẹ, là cố gắng lấp liếm che giấu giọng mũi do „cúm“, là khẳng định chắc nịch „Con không nhớ nhà đâu„, là kể ra một cơ số món ăn ngày tết vừa được ăn „nào là bánh chưng, dưa hành, giò lụa, canh măng“, trong khi bụng sôi sùng sục vì đói.

Tết xa là cảm giác thèm được ngồi chờ thời khắc giao thừa đến với bố để hai bố con vào xông nhà năm mới, là cái lạnh co ro khi mở cửa sổ đón xuân vẫn thì thầm ngoài ngõ, là cảm giác hít hà mùi quần áo mới mẹ sắm cho diện tết, là những cảm xúc đôi khi không nói thành lời đổ tại đã „lớn“, để rồi sau này hối hận vì quá „thờ ơ“, để “ mong bé lại như ngày hôm qua“.

Tết xa là nỗi nhớ những sáng đầu năm, nằm co ro trong chăn ngủ nướng không thèm dậy, là nỗi nhớ tiếng gọi của mẹ, của bố, là khai bút đầu xuân, là những uớc mong mà chỉ khi còn bé bạn mới ước, là tiền lì xì, là cảm giác quây quần bên mâm cơm nghi ngút khói.

Tết xa là cuộc hành trình tìm lại mình mà cuộc sống tặng cho bạn, nó khiến cho nỗi nhớ nhà của bạn nhân lên gấp bội nhưng để rồi bạn trân trọng những xúc cảm đã ngủ quên từ lâu – những xúc cảm “ xa xỉ“ hết mức mà bạn rất khó tìm thấy khi ở nhà, là thấm thía sự vất vả của bố mẹ, là nâng niu những kỷ niệm về tết bên ông bà, cha mẹ, em gái, khẽ cất sâu vào một góc trong trái tim, để rồi đem ra „gặm nhấm“ cho những cái tết xa nhà tiếp theo đang tới.

Tết xa là cảm giác hụt hẫng, ngồi thẫn thờ trên xe bus đến trường trong cái lạnh tê tái cuối đông, là giật mình khi cậu bạn thân khẽ huých vào tay nói:

– Cậu lại mơ gì à ?

Im lặng trong khoảnh khắc, để rồi khẽ mỉm cười :

– Không phải là mơ mà là uớc.

– Ước gì ?

– Ước thời gian vùn vụt trôi để được về nhà.

Nguyễn Thế Hùng

Tết 2012