Mầm non sân banh
Trong làng bóng đá quốc tế thì đội tuyển quốc gia của Đức luôn là một trong những đội tuyển hàng đầu thế giới với những cầu thủ nhập tịch từ các quốc gia khác như Klose, Podolski (Ba Lan), Cacau (Ba Tây), Özil (Thổ Nhĩ Kỳ) v.v … Cầu thủ đến từ Á châu thì đến nay chỉ có Tscha-Bum (biệt danh của Bum Kun Cha) là cầu thủ người Đại Hàn, đá cho đội tuyển Câu lạc bộ Đức trong thập niên 80, đã 2 lần giành cúp UEFA (1980-Eintracht Frankfurt, 1988-Bayer Leverkusen) và cúp DFB (1981-Eintracht Frankfurt).
Đọc đến đây chắc độc giả thắc mắc là tại sao ký sự về ngày Sporttag của hội DVF vào chủ nhật 13.11.2011 vừa qua mà lại viết vòng vo tam quốc về chuyện bóng đá của Đức nhỉ ?
Ấy số nó là như thế này:
Cũng như lần Sporttag kỳ rồi, chương trình thể thao vui chơi giải trí cộng đồng với mục đích chính là vận động những bộ phận cơ thể khác ngoài … bao tử (Chú thích tòa soạn: hôm đó cũng có bán bánh mì kẹp thịt vì khác với vận động viên Đức, vận động viên DVF luôn ghi lòng câu tục ngữ „Có thực mới vực được đạo“) . Đặc biệt là lần này có tổ chức 2 trận thi đấu vũ cầu cho người lớn và trẻ em. Đây là một sự kiện mới cần đề cập đến vì lần trước chỉ đánh cho … có lệ, không ăn thua nên không hấp dẫn bằng.
Sau khi chơi các màn thể thao nhẹ nhàng như vũ cầu, fitness, bóng rổ, bóng chuyền „chân“ (tức là thay vì dùng tay thì các vận động viên dùng chân để chuyền banh, không hiểu do sáng kiến hay sáng … mệt vì phải dậy sớm để đi chơi thể thao, may mà lần này giờ giấc đồng hồ đã được chỉnh lại từ 2 tuần trước nên bà con hâm mộ thể thao không phải đứng dài cổ chờ ông Hausmeister đến mở cửa như lần trước nữa) thì đến màn đá banh.
Bắt đầu là giải PVC (Phụ nữ Và Con nít, chứ không phải PVC là một loại nhựa để lót sàn nhà đâu nhé), tức là đàn bà, con gái một đội, đội kia là các cầu thủ nam từ 3 đến 14 tuổi. So về tuổi tác và nhân số thì đội tuyển nữ có phần trội hơn nhiều, nhưng đến lúc vào trận mới biết vàng thau ra sao. Đội nam đúng là tuổi trẻ tài cao, luôn giành được bóng, nên hầu như trong cả trận đá dài 15 phút khán giả chỉ phải xem đá banh … một nửa sân thôi, đỡ phải ngó ngang ngó dọc như xem các trận đá banh mà các cầu thủ cứ chạy từ gôn ta sang gôn bạn chóng hết cả mặt mũi.
Nổi bật nhất trong trận này là „tiền đạo áo đỏ“ của đội tuyển nam. Banh vào chân cầu thủ này là cứ dính như keo, không sao cướp được. Khổ một nổi là phe nữ chơi đội hình rất khó đoán trước, lúc thì dồn cục, lúc lại phân ra tứ phía nên „tiền đạo áo đỏ“ chả biết phải giao banh đi đâu vì đa số các nam cầu thủ do chiều cao còn giới hạn nên thường bị các nữ cầu thủ đứng che mất bóng. Trận đá cũng hào hứng không kém gì các trận đá banh của Bundesliga vào tối thứ bảy. Cũng có nước mắt, kiện cáo, thương tích. Một nữ cầu thủ phải rời sân không hiểu do bị đối thủ chơi xấu hay do „chân chị đá chân em“ thì không rõ vì trọng tài mãi để ý xem thằng con trai mình đấm đá ra sao nên quên béng cả việc theo dõi phân xử cuộc chơi.
Trong khi thủ môn tí hon đội nam (chắc khoảng 6, 7 tuổi) thất nghiệp đi lang thang thì thủ môn đội nữ phải làm việc không nghỉ vì những cú sút liên tục của phe địch. May mà các cầu thủ nam „tuổi đời“ còn kém nên đa số banh chỉ vào phía sau hoặc bên hông lưới mà thôi, trừ những cú sút „nhức nhối“ của „tiền đạo áo đỏ“, không đụng cột thì cũng đập xà ngang, xém lọt lưới. Cuối cùng thì „tiền đạo áo đỏ“ cũng ghi được tỉ số 1:0 cho đội nam với một cú sút thần tốc đi thẳng từ chân vào gôn mà không phải chuyền tới chuyền lui mất thì giờ.
Sau trận đá này thì đến trận của các ông. Nhưng hôm đó không ai có những cú lừa, đưa, sút bóng ngoạn mục như của „tiền đạo áo đỏ“ cả. Nếu năm bảy năm nữa độc giả có thấy trên báo chí hoặc ti-vi một cái tên là lạ, khó đọc như Daniel Nguyễn hay Duy Trần gì gì đó thì chắc hẳn cầu thủ ấy đã bắt đầu sự nghiệp bóng đá trên sân của Sporthalle Königshügel RWTH Aachen.
Ký giả Xa lộ
Aachen, November 2011