Tôi chơi thể thao
Ở Đức mỗi ngày đọc báo, xem tivi, nghe radio, không bao giờ thiếu phần tin tức thể thao, đa số là đá banh, đua xe (Formel 1), quần vợt v.v. … Mùa đông thì có trượt tuyết, trượt băng, Eishockey, Bobsport … nói chung là 365 ngày không ngày nào thiếu cả. Còn Việt nam ta ở Đức thì 365 ngày có … 1 ngày thể thao, đó là ngày Sporttag 27.03.2011 của hội DVF.
Lần đầu thấy dân Mít mình không phù hợp với câu „không ăn đậu không là Mễ, không đến trễ không là Dziệt nam“ vì Sporthalle chưa mở mà các vận động viên đã lố nhố đầy ngoài cửa rồi. Hỏi ra mới biết hôm nay … đổi giờ, ông Hausmeister vẫn còn an giấc điệp.
Cuối cùng rồi hội ta cũng được vào. Như đàn chim vỡ tổ mọi người chia nhau „chiếm đất“. Nào là khu bóng chuyền, vũ cầu, khu Tai Chi, Fitness … Mấy em nhỏ không „giành“ được đất nên chỗ nào trống là chúng nó bày ra nhảy dây, lắc vòng, đá banh và … chạy lăng quăng phá bĩnh thiên hạ đỡ ghiền.
Vì chỉ có mỗi một Halle cho tất cả các vận động viên chuyên nghiệp cũng như dự bị nên lâu lâu đang tập trung hít khí công Tai Chi thì … „bụp“, một quả banh từ đâu giáng vào đầu đau điếng. Chưa kịp hoàn hồn thì lại … „vút“, một trái cầu lông bay vèo qua mặt với vận tốc chết người. Thế mà cả buổi thể thao hôm ấy chả xảy ra tai nạn nào. Hay thật.
Mấy bà mang đồ ăn theo, giỏ lớn giỏ bé bày ra la liệt.
Hỏi:
– Sao chị mang chi nhiều thế ?
Trả lời:
– Cho ông xã với mấy đứa nhỏ đó mà !!!
Không biết chồng chị là ai và chị có cả thảy mấy con, chỉ thấy chị ngồi chễm chệ ở đấy, hết ăn nho, táo, lại xơi đến bánh mì, xôi, chuối. Chả thẩy bóng dáng chồng con chị đâu cả.
Hào hứng nhất có lẽ vẫn là đá banh. Ở Đức các đội đá banh được chia ra theo khả năng như đội tuyển quốc gia (Nationalmannschaft), 1. Bundesliga, 2. Bundesliga, Bezirksliga, Kreisliga v.v… Liga nào thì đá Liga đó, không lấy trứng chọi đá. Việt nam ta thì chia đội theo … tuổi. Vì vậy ta có đội bô lão, đội sinh viên, đội thiếu niên, đội nhi đồng và đặc biệt là đội „bà mẹ và chị gái“ gồm các phụ nữ (giống như cái chị ngồi ăn nho táo kể ở trên) đóng vai thủ môn và hậu vệ, cộng thêm vài tiền vệ là chị gái của các em ở đội nhi đồng. Trận đấu giữa hai đội này là hào hứng nhất vì không theo một quy lệ nào cả, ai được banh thì cứ thế mà đá, còn vào „gôn“ hay không là chuyện ta không cần bàn tới. Ông nhóc 4 tuổi vừa bắt được banh thì một bà mẹ tự nhiên hét toáng lên làm thằng con giật mình ngơ ngác thế là … mất banh. Thì ra ở nhà các bà mẹ cũng dùng chiến thuật này để lấy phần thắng về mình. Không dở. Buồn cười nhất là đội ngũ các ông U-Bốn-Mươi (U40, từ tiếng anh „upper 40“). Trông ra sân quần áo đồng phục có vẻ chỉnh tề oai vệ lắm mà đá rất thanh cảnh, đứng tại chỗ là chính, chạy đã có … đội đối thủ lo. Hình như đội U40 này ôm mỗi trận được 5, 6 quả do đội đối thủ tặng không lấy tiền.
Đang đứng xem thì một thằng thuộc đội „Junior“ mặt mày có vẻ khẩn trương sốt ruột đến khều tay tôi chỉ vào lịch đấu hỏi:
– Chú ơi, cái đội „bố láo“ này đá chưa hả chú ?
Tôi quay sang định mắng cho nó tội ăn nói thiếu lễ độ thì thấy nó đang chỉ tay vào chữ „đội bô lão“ ở trên lịch đấu. Ừ nhỉ, đội … „ông già“ có lẽ dễ hiểu cho thằng bé hơn. Riêng tôi thì cứ thắc mắc không hiểu tại sao lại có một đội được đặt tên là „đội trẻ“ vì thành viên của đội này tóc ông nào cũng muối nhiều hơn tiêu. Hỏi ra mới biết đó là đội banh kỳ cựu trước đây của Aachen, ngày xưa được gọi là „đội trẻ“. Nếu dùng đúng văn phạm ngữ pháp thì phải thêm vào là đội … „ngày xưa trẻ“ chứ lị ? Phiền toái quá. Tưởng chỉ có phụ nữ sợ mang tiếng „già“, ai dè mấy ông cũng cá mè một lứa.
Chả biết kết quả thi đấu kiểu „châu chấu đá xe“ này ra sao, chỉ biết các cầu thủ có vẻ đá chưa đã. Nhưng „ngày vui qua mau“, rồi cũng đến lúc phải từ giã sân chơi trở vể với cuộc sống đời thường. Để mai còn đi cày nữa chứ !!!