Behind the scenes – Hậu trường sân khấu
Behind the scenes – Hậu trường sân khấu
Tôi là „phen“[1] ruột của Jacky Chan không phải chỉ vì phim của anh ta có nhiều màn võ thuật vừa hay vừa hài hước, mà là tôi khoái nhất cái khoản sau khi xem hết phim lại được coi những cảnh người ta gọi là „hậu trường sân khấu“, là những cái vui buồn, trật „rơ“, mà chỉ những diễn viên, người quay phim, đạo diễn v.v. nói chung là người trong cuộc mới biết được. Để có một màn quơ gậy đẹp mắt còn hơn Tề thiên đại thánh thì Thành Long cũng phải vài lần tự gõ mình u đầu sứt trán hay để nói một lời đối thoại tiếng anh thè lưỡi ra thọt lưỡi vào như máy dán tem anh ta phải diễn đi diễn lại mấy mươi phen mới xong. Có xem những cảnh này mới thấy phim của Jacky Chan thật tuyệt vời vì trong đó là gói ghém bao nhiêu tâm lực, ý chí của những người làm nghề mua vui cho thiên hạ.
Tết năm nay mọi người kêu … ồn ào (có khách người Đức do được cảnh báo trước nên ngoan ngoãn mang theo bông gòn nhét lỗ tai) nhưng ấm cúng màu sắc quê hương, chắc nhờ màn hoạt cảnh „Tiếng trống Mê Linh“ tuy không có cưỡi voi mà Hai Bà Trưng vẫn hiên ngang ra trận, quên bản đồ vẫn dàn quân múa võ, dậm chân ầm ầm rung chuyển cả sân khấu, thật là oai hùng. Khán giả lớn bé ngồi há miệng bái phục trong khi đạo diễn Trần Tâm đứng bên cánh gà tim đập thình thình vì cho đến giờ tổng dợt cuối cùng các diễn viên vẫn … chân ta đá chân bạn, gươm giáo quẹt vào nhau loạn xị xà ngầu.
Phần trang phục thì … thiếu tùm lum vì các em tự nhiên năm nay nhổng giò, lớn hẳn lên, nên nếu ai để ý sẽ thấy áo dài thì nối tà, quần mặc cao hơn mắt cá chân, áo the dài … chưa tới đầu gối. Thiết kế y phục Nguyễn Hòa tất bật may vá, gom thu phụ tùng nón lá, nón quai thao, áo bà ba, khăn đống; cái mua, cái mượn (Ghi chú: Thiết kế y phục Nguyễn Hòa nhớ tìm dùm đạo diễn Trần Tâm áo dài trắng để trong một cái bịch nylon nào đó). Khán giả nào có thắc mắc tại mần răng trong màn „múa chân“ có một em mặc áo đen còn 4 em kia áo trắng thì xin hé màn bật mí rằng kiếm mãi vẫn thiếu 1 áo sơ mi, giám đốc sản xuất „Dy anh“ bèn hy sinh cho mượn 1 áo trắng, nhưng có lẽ tuổi già vai rộng … bụng to nên nghệ sĩ em đành ngậm ngùi làm hắc sĩ đạo.
Rắc rối đâu phải chỉ ở phần y trang không thôi mà ở … mọi lãnh vực. Màn họp chợ 30 Tết đến giờ chót nghệ sĩ lão thành „Cương cận“ bị điều động đi quay video. Thế là thiếu mất ông công nhân viên nhà nước, tan sở xách cặp táp đi dạo chợ xuân. Thôi thì sân khấu khiêm nhường diện tích nên ta tự an ủi rằng „vắng ông thì chợ vẫn đông như thường“. Đùng một cái, gần đến giờ trình diễn nhà thiết kế Nguyễn Hòa tuyên bố:
– Chết rồi, tui lên sân khấu ai lo vụ thay đồ cho Hai Bà Trưng đây?
Chả nhẽ để em nữ sinh „Hoàng Thị Ngọ“ mặc áo dài trắng đứng lên phất cờ khởi nghĩa thì còn ra thể thống gì nữa ? May quá ở đâu chợt xuất hiện một chị „Hằng“ lên đóng thế. Mừng húm.
Tin giờ chót: Nữ tài tử Duyên Lâm đang nằm bẹp vì bị rối loạn đường ruột. Nàng đóng tới … 3 màn lận. Ai sẽ thay nàng đây ? May mà trời thương nên nàng vẫn đủ sức diễn trọn vẹn màn múa quạt. Nào ai hay trong 6 nàng tiên nữ ấy có người đang hết mình cho niềm vui của khán thính giả ngày Tết.
Kể đến giám đốc sản xuất „Dy anh“ lại nhớ hôm anh đến xem tổng dợt, mặt u mày rũ vì thấy tương lai có vẻ … mịt mùng quá đi thôi. Sạp đập 3 cái lại kẹp vào chân một lần. Múa trống cơm thì nhạc đi đằng nhạc, trống đi đằng trống, hết nhạc rồi mà các diễn viên vẫn vỗ trống ì xèo là sao ? Khi Tết đã qua, thành công ngoài sức mong đợi, anh mới tâm sự rằng:
– Tối thứ sáu anh thức trắng vì … lo.
Mãi đến hôm đó anh mới biết sân khấu nhỏ hơn anh tưởng tượng nhiều. Rồi còn dàn nhạc, dàn đèn, cây cảnh trang trí, lấy đâu ra chỗ mà múa đây ? Chưa kể đội quân khởi nghĩa dợt võ thế nào mà mấy mảnh sàn sân khấu có bánh xe nên cứ tự nhiên lăn rời nhau ra. Phải chi đóng hoạt cảnh Trần Hưng Đạo đại phá quân Nguyên trên sông Bạch Đằng ta giả cảnh tàu chìm bằng cách để quân lính lọt xuống đất do sân khấu „há mõm“ bất tử, chắc sẽ được khán giả vỗ tay khen nhiệt liệt vì đóng quá „thật“.
Còn nhiều cái vui buồn “behind the scenes” lắm lắm. Nhớ những hôm tập dợt, biên đạo múa thì „mắt nai một mở một … mờ“, dạy tiếng việt đã khó, dạy múa may còn gian khổ gấp vạn lần. Lại còn phải lo ăn, lo uống cho các nghệ sĩ mầm non nữa chớ. May mà có phụ huynh ủng hộ, lúc bánh mì kẹp, lúc khay cơm chiên, đem ra món nào sạch nồi món nấy vì tập văn nghệ không phải dùng đến bút nghiêng nên chân tay ta tha hồ múc cơm, bóc bánh. Rồi những lo toan bên lề như giàn xếp vai chính, vai phụ, nước mắt chảy ngắn, chảy dài, giải quyết trục trặc kỹ thuật nhạc thu được nhưng không phát được, cờ quạt phất vài lần đã tả tơi cánh nhạn …
Ôi thôi bao nhiêu là cái để than, để kể, để nhớ về một cái Tết mà cả mấy thế hệ cùng nhau hợp sức tổ chức. Nhìn lên thì thấy mình còn thua Thúy Nga Paris … một tí, nhìn xuống thì … không thấy ai ngoài mình. Nhìn ngang nhìn dọc thấy mình cũng … Hay Quá Chớ !!!
Văn nghệ Tết 2011
Giám đốc sản xuất: Dy anh
Kỹ thuật: Cổ Loa Mạnh Tuân
Trang Phục: Nguyễn Hòa
Chợ 30 Tết (hoạt cảnh câm)
Kịch bản: Không có
Đạo diễn: Tự biên tự diễn
Âm nhạc: Tự ghép
Diễn viên: Ani, Duyên (nữ học sinh), Hùng, Hoàng (nam học sinh), Giang (cô bán hoa), Hồng Như (cô bán bánh chưng), Hằng (cô bán vải), Minh (cô bán bánh mứt), Văn Như (cụ đồ), Nhung (cô gánh hàng rong), Thái (em bé bán báo), Thế (em bé đánh giầy) Sơn (em bé bán vé số), Thu Hiền, Trang (cô gái đi lễ chùa), Tâm Trần, Tâm Huỳnh, Thanh Vũ, Lili, Y Chi (người đi chợ), Hiếu, Phước (con nít đốt pháo)
Múa sạp
Đạo diễn múa: Maiflower & Nguyễn Hòa
Diễn viên: Đạt, Thông, Julia, Phúc, Giang, Philipp, Kỳ Yên, Jacky
Tiếng trống Mê Linh
Đạo diễn vũ nhạc kịch: Tâm Trần
Diễn Viên: Ani (Trưng Trắc)
Thu Hiền (Trưng Nhị)
Thu Trang (nữ tướng)
Hoàng, Hùng, Sơn (nghĩa quân nam)
Savey, Y Chi, Lili (nghĩa quân nữ)
Trống cơm
Đạo diễn múa: Giang Trần
Diễn viên: Ani, Tâm, Lili ,Y Chi, Jacky, Thế, Sơn, Hùng
Múa quạt
Đạo diễn múa: Maiflower
Diễn viên: Duyên, Thu Trang, Phúc, Y Chi, Ani, Thu Hiền
Múa chân (C-Walk)
Diễn viên: Hùng (Hắc Y Đạo Sĩ), Sơn, Giang, Hoàng, Semih (Bạch Y Đạo Sĩ)
[1] Fan