Chiến Sĩ Vô Danh
Hôm nay chủ nhật, trời lạnh, ta buồn ta đi lang thang … ra Weihnachtsmarkt chơi.
Ủa, mà sao vắng ngắt như chùa bà đanh thế này nhỉ ?
Hỏi ra mới biết hôm nay là ngày Totensonntag, chợ giáng sinh chiều mới mở.
Quanh đây chả có chỗ nào đi chơi được cả. À, hình như nghe nói có buổi văn nghệ từ thiện giúp trẻ em tàn tật ở Việt nam tại Che-Haus, ta ghé ngang xem thử ? Nghệ sĩ trình diễn là Hà Chương, chưa nghe bao giờ, chả biết là ai, càng không biết anh từ mô tới.
Văn nghệ „thính phòng“ có khác, phòng ốc nhỏ nhắn, sân khấu mộc mạc, một tấm phông bằng vải mỏng trắng có vẽ chân dung nghệ sĩ trông rất trang nhã, không thua gì tuần rồi đi xem buổi hòa nhạc ở Ballsaal.
Tôi vốn bất thể thao, phi văn nghệ, nên lần đầu mới nghe người ta đánh đàn bầu. Ai mà biết đâu đàn bầu không những réo rắt lời ru con
Gió mùa thu mẹ ru mà con ngủ
Năm canh chày thức đủ dừa (vừa) năm
Hãy nính( nín) nính (nín) đi con
Hãy ngủ ngủ đi con
Con hời mà con hỡi, con hỡi con hời hỡi con
nghe não hết cả lòng, mà còn chơi được cả nhạc giáng sinh Jingle bells nữa mới chết chớ. Mấy khán thính giả người đức thì trợn tròn mắt … xanh khi chàng nghệ sĩ tài hoa khảy bài dân ca đức „Hoch auf dem gelben Wagen“ qua cái đàn mà đối với họ còn xa lạ hơn cả người đánh đàn nữa.
Cái hay ở đây là anh chàng nghệ sĩ này … không thấy đường vì anh ta bị mù từ nhỏ. Nhưng cái khiếm khuyết đó tôi không hề nhận thấy trong tiếng đàn của anh, trong bài hát của anh
Tay anh gầy không ôm nổi trái tim em
Nhưng đủ để bấm phím đàn hát cho những người yêu nhau …
Thật thơ mộng, thật trữ tình. Đầy hình ảnh, đầy màu sắc. Tôi sẽ chẳng lấy gì làm ngạc nhiên nếu anh nói nhận được nhiều thư của người ái mộ thuộc phái kẹp tóc.
Thú vị nhất là các em dẫn chương trình bằng song ngữ. Tiếng đức thì khỏi bàn rồi, các em nói líu lo như chim, còn giới thiệu các tiết mục bằng tiếng việt đôi lúc nghe như … người ngoại quốc. Nhưng Kỳ Duyên hồi mới làm MC cũng đâu khác gì mấy ? Ngày xưa còn bé tôi chả được học một nhạc cụ gì, múa may cũng không biết nốt, mỗi lần lễ khai trường thấy các bạn được lên sân khấu trình diễn mà ước ao, vì các bạn ấy học được sự tự tin, dạn dĩ trước đám đông, ăn nói hoạt bát, được thầy cô ưu ái, còn tôi mãi đến bây giờ vẫn thua kém mọi người về việc giao tiếp trong xã hội.
Đói quá, kiếm tí gì lót dạ nhỉ ?
Thấy hàng bán đồ ăn mới phục sát đất. Người Việt ta vốn hảo ăn. Có thực mới vực được đạo vì con đường ngắn nhất để đến trái tim là đi qua… dạ dày. Các anh độc thân từ bỏ cuộc đời phóng khoáng đôi khi chỉ vì
Bát cơm em nấu như hoa
Bát canh em nấu như là mật ong
(ca dao)
Mật ngọt thì chết … ruồi, quả không sai.
Bánh bèo, bánh ít, bánh nếp, chả giò, phở v.v… Có cả bánh mì thịt nguội bỏ dấu hẳn hòi. Tôi thấy nhiều nơi bên Mỹ, Pháp, ngay cả Việt nam bây giờ, chẳng hiểu do hướng ngoại hay sao mà bỏ phăng các dấu đi như cơm phần, bánh củ mài v.v… không dấu thành ra ăn cơm … phân, bánh mì thịt … người, bố bảo cũng chả dám mua. Nhìn những cái bánh xiu xíu, xinh xinh, gói bằng lá chuối, tôi tự hỏi có biết bao nhiêu tình người được gởi gấm trong đó đây ? Có những sự đóng góp „nổi“ dễ nhận ra như những tờ tiền giấy trong hộp tiền quyên góp, nhưng cũng có những đóng góp „chìm“ như của những chị trong ban ẩm thực. Anh hùng tên tuổi ghi danh ta đếm trên đầu ngón tay. Hỏi thử ai đếm được có bao nhiêu vạn chiến sĩ vô danh ? Không có họ anh hùng cũng không làm nên nổi lịch sử. Không có các chị, hôm nay tôi sẽ … đói và buổi văn nghệ từ thiện sẽ … nghèo vì không lấy tiền vé vào cửa mà chỉ trông mong vào lòng hảo tâm của khán thính giả. Thế mới biết không có các chiến sĩ vô danh chúng ta sẽ …. nghèo đói. Nghèo đói thì sẽ không có chuyện một chiều chủ nhật cuối thu, trời lạnh lẽo, bên xứ Đức đìu hiu, ngồi vểnh râu nghe tiếng đàn bầu trầm bổng, tiếng sáo trúc vi vút bên những lời hát gợi nhớ quê nhà, nhớ những cuộc tình đi qua đời ta. Còn gì hơn nữa phải không các chị Loan, chị Dung, chị Yến, chị Minh, chị Hồng Như … và các chiến sĩ vô danh khác ?
Lữ Tảng
(11/2010)