Bánh nậm

Hôm tết Trung thu của hội DVF tổ chức tôi thấy trong các loại bánh được các chị làm ủng hộ để bán gây quỹ quyên góp có một thứ bánh dẹp dẹp, hình chữ nhật, gói bằng lá chuối xanh.

Ở nhà mẹ tôi chẳng bao giờ kêu cái tên cúng cơm oai phong lẫm liệt „Trần Vũ Dũng“ của tôi cả mà chỉ gọi nheo nhéo là thằng „ngọa triều“ bởi tôi lười như hủi, ăn cũng mẹ hầu đến tận miệng. Vì thế khi thấy một cô ngồi bóc cái bánh „dẹp dẹp“ toàn lá là lá tôi cũng tò mò quan sát xem ăn bánh ấy thì mất hết bao nhiêu thời gian. Quả thật „ngọa triều“ như tôi thì không tài nào ăn nổi chiếc bánh được bọc bằng rất nhiều lớp lá chuối ấy. Tôi lân la kiếm cách làm quen vì, của đáng tội, cái cô đang bóc bánh ấy trông xinh đáo để.

– Bánh này sao nhiều lá thế hả em ?

Cô ta ngẩng lên nhìn tôi, tay vẫn tiếp tục lột từng lớp lá. Ôi, cái cặp mắt đen tròn y hệt như lời thơ của Giang Nam „Có cô bé nhà bên nhìn tôi cười khúc khích, mắt đen tròn, thương quá đi thôi“ mà tôi mới nghe các em lớp tiếng Việt đọc trên sân khấu.

– Thì bánh lá mà anh …

Tôi vốn quen tính hay trêu con gái:

– À, tức là bánh chỉ có lá thôi hả ?

Cô ta đã bóc đến lớp lá cuối cùng và bánh lộ ra một lớp bột trắng, ở giữa có màu cam cam.

– Bánh này ở quê em gọi là bánh nậm, anh ăn thử xem, ngon lắm !

 Thật là cám ơn hội DVF, cám ơn các em lớp tiếng Việt và nhất là cám ơn cái chị gói bánh lá. Tôi không bao giờ mơ được hưởng một cái tết Trung thu ở xứ đức mùa thu lá vàng rụng xơ xác này, nói chi được mời ăn một chiếc bánh kiểu „ngọa triều“ tức là chỉ cần chấm chiếc bánh vào chén nước mắm và cho vào miệng thưởng thức.

Cái „cô bé nhà bên“ vừa tiếp tục bóc chiếc bánh kế tiếp vừa thao thao kể về xuất xứ chiếc bánh „dẹp dẹp“. Thì ra bánh lá này có dính dáng với sông Hương. Ngày xưa người ta họp chợ cạnh bờ sông cho tiện việc chuyên chở thông thương. Bánh gói lá chuối được bày bán ở chợ cạnh sông. Rồi người địa phương gọi bánh này là „bánh Nậm Hương“ tức là bánh bán ở ven sông Hương cũng như Nậm Tà là sông Hồng, Nậm Tè là sông Đà, Nậm Má là sông Mã, Nậm Khoóng là sông Mê Kông. Chuyện bánh nậm của cô ta làm tôi nhớ giống như chuyện bánh mì „sandwich“ bắt nguồn từ lão già John Montagu, bá tước Sandwich đệ tứ. Lão mê đánh bài, nảy ra sáng kiến kẹp thịt giữa hai lát bánh mì để một tay có thể cầm bánh mì ăn trong khi tay kia vẫn tiếp tục chơi được bài.  Những người chơi bên cạnh thấy vậy có vẻ tiện nên cũng gọi món ăn „giống như Sandwich“, để họ có thể vừa cầm thẻ bài của mình, vừa ăn mà không hề sợ bẩn tay. Thế là từ đó bánh mì sandwich ra đời.

Chẳng nhẽ cứ ăn ké bánh „cô bé nhà bên“ mãi thì còn ra thể thống gì nữa nên tôi bèn móc hết phiếu ra mua đủ các loại bánh hôm ấy có bày bán. Nào là bánh bèo, bánh dầy, bánh cam, bánh khúc, bánh bao, bánh bột lọc, bánh dẻo, bánh nướng. Bánh „tây“ thì có bánh tổ ong, bánh táo, bánh bò „tây“ (tôi tự đặt tên cho bánh này vì hình dáng nó giống như bánh bò của việt nam, nhưng ăn thì là vị … bơ sữa đức).

Các chị bán hàng trêu tôi:

– Anh Dũng hôm nay „xộp“ nhỉ ?

Tôi ra vẻ cao thượng võ lâm:

– Thì ủng hộ các em lớp tiếng Việt làm việc từ thiện mà !

„Cô bé nhà bên“ có vẻ „cảm động“ vì lòng „bác ái“ của tôi nên cả đêm tết Trung thu hôm ấy cô ta luôn ở cạnh bên tôi. Còn tôi thì thỉnh thoảng lại bắt gặp những ánh mắt ganh tị của các chàng hình như vẫn còn đang mình đơn bóng chiếc. Cái „cô bé nhà bên“ kể tôi nghe là để có một đêm Trung thu cho cộng đồng người Việt ở Aachen và vùng phụ cận các em lớp tiếng Việt phải tập dợt khổ cực thế nào, các chị nấu nướng công sức ra sao v.v.

Giương cặp mắt đen tròn cô ta thăm dò:

– Năm sau anh giúp chúng em một tay nhé ?

Đương nhiên tôi gật đầu như máy. May mà mẹ tôi hôm đó bị cảm lạnh nên ở nhà không đi chứ không thì „ngọa triều“ sẽ lộ tẩy. À, mà không phải chỉ có tôi có cái tên biểu lộ được xuất xứ của mình đâu nhé ! Cái „cô bé nhà bên“ ấy cũng có một cái tên rất đặc biệt: Tôn Nữ Nậm Hương.

Thật là may em không phải sinh quán ở sông Đà.

Dũng Tốc Kê

Trung Thu 2012